Việc thiếu hụt các cơ sở hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học đang là một vấn đề nhức nhối đối với các đô thị lớn tại Việt Nam mà Tp.HCM không hề là ngoại lệ. Chế tài thế nào với các nhà đầu tư đang là dấu hỏi còn đang bỏ ngỏ.
Cơ sở hạ tầng: cần thiết nhưng bị lãng quên
Trong các bản quy hoạch Thành phố từ 2010, các cơ sở hạ tầng chung như đường xá, điện nước,... đều được đầu tư bài bản để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày một gia tăng của người dân. Các diện tích cho hoạt động công cộng, công ích như bệnh viện, trường học, công viên, nhà trẻ,... được quy hoạch mở rộng và thêm mới để cải thiện đời sống chung. Tuy nhiên, khi quy hoạch được đưa vào xây dựng, các khu đô thị mới liên tục mọc lên nhưng các hệ thống hạ tầng thì không được xây dựng song hành.
Nhiều khu đô thị mới không có đủ hạ tầng xã hội. |
Rất ít nhà đầu tư thật sự tập trung cho các hạ tầng xã hội. Chỉ ở các đại dự án lớn như Vinhomes Central Park thì trường học, bệnh viện, công viên mới được chú trọng xây dựng. Còn ở các dự án khác thì hạ tầng xã hội luôn không được chú trọng, xây dựng với tiến độ rất chậm. Nhiều nhà đầu tư còn phân cho các công ty thứ cấp thực hiện dẫn đến chất lượng rất thấp. Thậm chí là nhiều hạ tầng không thể sử dụng hoặc rất nhanh xuống cấp khi đưa vào hoạt động.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên Hội kiến trúc sư Hà Nội, bản quy hoạch tiêu chuẩn của bất cứ dự án nào theo tiêu chuẩn cũng phải có trường học mới được phê duyệt. Tuy nhiên, các chủ đầu tư luôn lờ các hạ tầng này đi mà tập trung vào xây dựng căn hộ để kiếm lời.
Việc thiếu thốn hạ tầng ở nhiều khu đô thị mới khiến dân cư ở đây phải sử dụng các hạ tầng công do nhà nước cung cấp. Điều này tạo nên một áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng công dẫn đến tình trạng quá tải, cung không đủ cầu và giảm chất lượng sống của tổng thể người dân. Để khắc phục, Nhà nước phải đầu tư thêm hạ tầng từ vốn nhà nước gây áp lực lên kinh tế, tài chính quốc gia, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển chung của cả Thành phố.
Trường học không phải nguồn đầu tư sinh lời cao. |
Cần chế tài nghiêm khắc hơn với nhà đầu tư
Bộ Xây dựng cho biết, theo các quy định hiện hành tại các Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND các cấp tại địa phương.
Cùng với đó, các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về Quy hoạch xây dựng. Như vậy, pháp luật hiện hành đã có quy định đầy đủ và bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị.
Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận việc trên thực tế việc thực hiện các quy định, quy chuẩn trên chưa được thực hiện đồng bộ. Nhiều nhà đầu tư cố gắng lách luật, hối lộ hoặc cố ý đưa dự án vào tình thế “đã rồi” để thu lợi tối đa bỏ mặc ảnh hưởng xã hội.
Chính phủ cần chế tài nghiêm khắc hơn với nhà đầu tư. |
Chính phủ cần có những chế tài mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn để nhà đầu tư thực hiện đầy đủ quy hoạch. Nhiều chuyên gia đề nghị nhà nước yêu cầu chủ đầu tư phải ký quỹ trong Kho bạc Nhà nước số tiền tương ứng với các công trình hạ tầng công cộng trong quy hoạch được phê duyệt. Khoản tiền này chỉ được giải ngân sau khi nhà đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng đã cam kết.
Các cấp chính quyền Thanh phố cũng phải tiến hành giám sát ráo riết, liên tục quá trình thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, các cấp còn phải chống tham nhũng, giám sát cán bộ, nhân viên, tránh họ nhận lợi ích từ nhà đầu tư mà nới lỏng giám sát, thi hiện quy định.
-T.N.T-
0 Nhận xét